Tháng 02/1894, Hải Phòng chính thức là đô thị đầu tiên ở Việt Nam được chiếu sáng công cộng bằng đèn điện. Ngay sau đó, năm 1895 tại Hà Nội và năm 1896 tại Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đã chính thức hình thành hệ thống sản xuất và cung ứng điện. Thời gian đầu, điện chủ yếu được sử dụng để chiếu sáng đô thị, cung cấp cho bộ máy quản lý hành chính, các công sở của chính quyền thực dân, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người châu Âu và bộ máy quan lại người Việt. Những chiếc tàu điện bắt đầu xuất hiện góp phần làm thay đổi diện mạo hai thành phố Sài Gòn và Hà Nội.
Trước năm 1954, có 03 công ty của Tư bản Pháp độc quyền quản lý, sản xuất, kinh doanh điện là Công ty Điện Đông Dương (SIE) ở miền Bắc, Công ty Điện Nước Đông Dương (SIPEA) ở miền Trung và Công ty Nước và Điện Đông Dương (CEE) ở miền Nam. Các công ty này được chính quyền thực dân nhượng quyền khai thác và kinh doanh điện tại các thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, Hà Nội, Hải Phòng, Huế…
Sau ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, Thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam. Hệ thống điện miền Bắc được Ban tiếp quản Bộ Giao thông Công chính tiếp quản. Từ đây ngành Điện lực miền Bắc do Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lý.
Với vai trò thiết yếu của ngành Điện đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Điện lực phải đi trước một bước. Ngày 21/7/1955, Cục Điện lực trực thuộc Bộ Công Thương được thành lập đã đặt dấu mốc đầu tiên cho công tác tổ chức quản lý ngành Điện của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đảm bảo tính pháp lý về hoạt động chỉ đạo, quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên trách về lĩnh vực Điện lực.
Trong suốt chiều dài phát triển của mình, ngành Điện luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những lời dạy của Bác trong những dịp Người về thăm các nhà máy, xí nghiệp, gặp gỡ cán bộ công nhân viên ngành Điện mãi là những ấn tượng khó quên, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của ngành Điện và con người ngành Điện.
Hơn hai tháng sau ngày giải phóng Thủ đô, ngày 21/12/1954, Bác Hồ đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân viên Nhà Đèn Bờ Hồ và Nhà máy Điện Yên Phụ. Bác nói: “Trong lúc quân Pháp sắp rút lui, các cô, các chú, từ cán bộ đến công nhân, đã ra sức đấu tranh giữ nhà máy tương đối được hoàn toàn. Đấy là một điều rất tốt. Sau khi Chính phủ ta về tiếp quản Thủ đô, các cô, các chú đã cố gắng sản xuất điện đều, làm cho sinh hoạt của đồng bào trong thành phố được tiếp tục như thường. Bác thay mặt Chính phủ khen ngợi và cảm ơn các cô, các chú”. Đây là một sự kiện lịch sử trọng đại của ngành Điện. Từ đó, ngày 21/12 trở thành Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam.
“Phải đưa điện lực đi trước một bước…, kết hợp phát triển nhiệt điện với phát triển thủy điện, kết hợp phát triển điện lực với trị thủy và phục vụ nông nghiệp… Trước mắt ra sức phát triển nhiệt điện, đồng thời tích cực đẩy mạnh phát triển thủy điện, dần dần nâng cao tỉ trọng thủy điện cao hơn nhiệt điện”.
(Theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa III, ngày 16/4/1962).
Bên cạnh sự hình thành và phát triển của trường đào tạo chuyên ngành Điện, việc học tập kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ, công nhân ngành Điện. Ông Phạm Tiến Ba, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật, Bộ Năng lượng nhớ lại: “Với lòng nhiệt tình cách mạng, ý chí quyết tâm, nỗ lực học hỏi và nhờ sự giúp đỡ chỉ bảo chí tình của các chuyên gia, bằng những thiết bị, dụng cụ thô sơ, chúng ta đã xây dựng và đưa vào vận hành thành công các Nhà máy Điện Vinh, Thanh Hóa, Lào Cai, Việt Trì, Cao Ngạn, Bắc Giang; khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng thành công các đường dây 110 kV Đông Anh - Việt Trì, Đông Anh - Thái Nguyên, Đông Anh - Uông Bí”.
Đến năm 1975, tổng công suất thiết kế toàn hệ thống điện của miền Bắc đạt 451MW, cơ bản đáp ứng nhu cầu về điện của nền kinh tế, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng hậu phương miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa và sự nghiệp đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai ở miền Nam, tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước.
Trong điều kiện mới, ngành Điện được tổ chức quản lý thống nhất trong toàn quốc, ngoài Công ty Điện lực miền Bắc (sau đổi thành Công ty Điện lực 1), thành lập Công ty Điện lực miền Nam (sau đổi thành Công ty Điện lực 2) và Công ty Điện lực miền Trung (sau đổi thành Công ty Điện lực 3) trực thuộc Bộ Điện và Than. Ngành triển khai hoạt động theo Tổng sơ đồ phát triển điện từng giai đoạn. Bộ máy quản lý hoàn thiện dần theo hướng chuyên môn hóa ngày càng sâu. Ra đời các cơ quan quy hoạch, khảo sát thiết kế, xây dựng truyền tải, phân phối, sản xuất thiết bị điện… ở 3 miền, xây dựng và hoàn thiện quy trình, quy phạm tiên tiến của ngành Điện, chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát động phong trào thi đua yêu nước, tạo thế cho ngành Điện từng bước thực hiện đến mục tiêu: Điện đi trước một bước, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và dân sinh.
Để đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển hệ thống điện, ngay từ những năm sau khi đất nước thống nhất, ngành Điện đã thành lập các đơn vị Khảo sát Thiết kế Điện, là tiền thân của các Công ty Tư vấn Xây dựng Điện 1, 2, 3, 4, sau đó là các Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện. Nhiệm vụ chính là khảo sát, thiết kế, giám sát thực hiện các dự án, công trình nguồn và lưới điện; tư vấn các dịch vụ kỹ thuật.
Qua quá trình hoạt động và phát triển, đội ngũ cán bộ, kỹ sư tư vấn đã từng bước trưởng thành, tích lũy nhiều kinh nghiệm, làm chủ về mặt công nghệ và có khả năng đảm nhận nhiều công trình, dự án quy mô lớn, phức tạp, hiện đại. Đường dây và trạm 500kV, quy hoạch Bậc thang Thủy điện Sông Đà... là những thành tựu nổi bật, ghi nhận tinh thần phát huy nội lực và vai trò đóng góp của lực lượng Tư vấn Xây dựng Điện Việt Nam.
Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh - Công ty Cổ phần
Được thành lập năm 1971, tiền thân là Nhà máy Sửa chữa Thiết bị Điện Đông Anh, Nhà máy Chế tạo Thiết bị Đông Anh và Công ty sản xuất Thiết bị Điện Đông Anh. Được mệnh danh là “bệnh viện của ngành Điện”, Tổng công ty đã đạt được nhiều thành tựu trong thiết kế, chế tạo, cung cấp và sửa chữa thiết bị điện cho lưới điện, Nhà máy Nhiệt điện và Thủy điện trên toàn quốc... Hiện nay, Tổng Công ty Thiết bị Điện Đông Anh là đơn vị duy nhất tại Việt Nam chế tạo được các loại máy biến áp 220kV - 500kV, đưa Việt Nam trở thành một trong 10 nước trên thế giới sản xuất và chế tạo máy biến áp 500kV. Tổng Công ty được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
Giai đoạn 1975 - 1995, Điện lực Việt Nam có bước phát triển. Đến năm 1995, sản lượng điện đạt 14,6 tỷ kWh, tăng gấp 5 lần so với năm 1975. Từng bước đưa điện về nông thôn, miền núi và phủ trên 90% huyện và trên 60% xã trong cả nước.
Thích ứng với quy mô hệ thống điện ngày càng phát triển, ngành Điện đã có những bước chuyển đổi sâu sắc về mô hình tổ chức quản lý, cơ chế điều hành sản xuất kinh doanh theo hướng chuyên môn hóa, đảm bảo phát triển mạnh mẽ và bền vững. Tập trung vào đầu tư phát triển hệ thống nguồn và lưới điện, nâng cao chất lượng cung ứng, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho nền kinh tế, an ninh quốc phòng và đời sống xã hội. Luật Điện lực bắt đầu có hiệu lực từ 01/7/2005, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động chuyên ngành Điện lực. Thị trường điện bước đầu hình thành, tạo động lực để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần khẳng định vị thế của EVN, tạo cơ sở hình thành các kênh huy động vốn, hướng tới thị trường điện cạnh tranh trong xu hướng hội nhập và phát triển.
Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) được thành lập theo Quyết định số 562/TTg ngày 10/10/1994 của Thủ tướng Chính phủ và chính thức ra mắt hoạt động ngày 01/01/1995. Ngày 22/6/2006, EVN được Chính phủ quyết định chuyển thành Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Sự ra đời của EVN đánh dấu bước ngoặt trong quá trình đổi mới, chuyển sang mô hình hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. EVN tập trung mạnh mẽ vào sản xuất kinh doanh điện, đầu tư phát triển nguồn và lưới điện để đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế và đời sống xã hội của nhân dân.
Đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội đồng đều, bền vững giữa các vùng miền cả nước. Đến năm 2015 kết quả đưa điện về nông thôn đạt 100% số huyện; 99,66% số xã; 98,79% số hộ dân nông thôn có điện, góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần, hiểu biết về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như bảo vệ sức khỏe của người dân.
Từ khi được thành lập năm 1995, EVN tích cực tham gia các hoạt động hợp tác trong khu vực và quốc tế. Đặc biệt, EVN duy trì và mở rộng quan hệ song phương, đa phương với các đối tác quốc tế trong nhiều lĩnh vực để có thể vay vốn ưu đãi đầu tư, vay vốn tín dụng có bảo lãnh của Chính phủ và đang tiến tới vay vốn tín dụng không có bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án điện của Việt Nam; hợp tác hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, quản lý, bảo vệ môi trường; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm an ninh năng lượng, cung cấp và trao đổi điện năng.
Kinh doanh
Ngành Điện nước ta hiện nay đã có những bước phát triển vượt bậc, đã đảm bảo cung cấp điện cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng và độ tin cậy, cung cấp điện ngày càng được cải thiện. Trong 20 năm qua, kể từ năm 1995, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, sản lượng điện sản xuất không ngừng tăng từ 14,638 kWh năm 1995 lên 159,678 tỷ kWh năm 2015.
Trước năm 1954, các công trình điện chủ yếu được đặt ở các thành phố lớn như Hải Phòng, Hà Nội, Sài Gòn, Huế... Cơ sở vật chất kỹ thuật điện còn nhỏ bé, trình độ công nghệ chưa phát triển. Hầu hết nguồn phát điện là nhiệt điện chạy bằng than với hệ thống lò hơi ghi-xích là chủ yếu, nhiều công đoạn được thực hiện thủ công. Lưới truyền tải mới hình thành ở cấp trung áp (6,6 - 15 - 30,5kV). Đến năm 1954, tổng công suất điện khả dụng là 65,6MW, chiều dài tải điện tối đa khoảng 100km, cấp điện áp đến 30,5kV.
Ở miền Bắc, nguồn điện chủ yếu là nhiệt điện đốt than và đi-ê-den, tổng công suất thiết kế đạt 451MW. Lưới truyền tải có cấp điện áp từ 35 đến 110kV. Lưới phân phối có cấp điện áp từ 10kV trở xuống. Điều độ hệ thống điện 2 cấp, hệ thống truyền dẫn thông tin bằng sóng tải ba và bằng viba. Điện phục vụ những nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế và quốc phòng, từng bước đáp ứng cho các nhu cầu nông nghiệp và dân sinh.
Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí
Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí được khởi công xây dựng ngày 19/5/1961 với sự giúp đỡ của Liên Xô, có công suất thiết kế 48MW, sử dụng lò hơi đốt than trung áp, đánh dấu sự phát triển công nghệ của ngành Điện Việt Nam. Nhà máy bắt đầu phát điện từ năm 1963, đảm nhiệm vai trò cung cấp nguồn năng lượng chủ lực cho miền Bắc và cũng là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực nòng cốt cho các nhà máy nhiệt điện sau này.
Nguồn điện chủ yếu là các cơ sở điện của Pháp ở Sài Gòn. Một số nhà máy được xây dựng thêm hoặc mở rộng như Thủy điện Suối Vàng, Thủy điện Đa Nhim, Nhiệt điện Thủ Đức, Nhiệt điện Cần Thơ và các cụm phát điện đi-ê-den. Đến năm 1974, tổng công suất lắp đặt nguồn điện đạt 801,3MW. Lưới truyền tải có điện áp 66kV, 230kV. Lưới phân phối có cấp điện áp từ 15kV trở xuống. Điện chủ yếu phục vụ mục đích quân sự, nhu cầu sinh hoạt của các bộ máy cầm quyền và chiếu sáng các đô thị lớn. Đầu mối vận hành là Cơ quan Điều hợp Điện năng đặt tại Thủ Đức.
Được mệnh danh là “Cửa tử”, trong những năm chiến tranh ác liệt 1965 - 1972, cán bộ, công nhân Nhà máy đã ngày đêm bám lò, bám máy, bám trận địa, giữ vững dòng điện trong mọi tình huống, trực tiếp chiến đấu bắn rơi máy bay Mỹ, chiến thắng mọi mưu toan hủy diệt của kẻ thù với khát vọng cháy bỏng: “Bảo vệ dòng điện liên tục cho Thủ đô chiến đấu và chiến thắng”.
Sau thời kỳ khôi phục, cải tạo các nhà máy và hệ thống truyền tải điện sau chiến tranh trong phạm vi cả nước, hệ thống Điện được phát triển theo các Tổng sơ đồ phát triển điện. Thủy điện được ưu tiên phát triển, các công trình trọng điểm có công suất lớn mang tầm quốc gia và khu vực ra đời như Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Hòa Bình, Trị An, Ialy,…
Hệ thống đường dây truyền tải được đầu tư, cải tạo và nâng cấp. Việc đưa vào hệ thống đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 đã liên kết các mạng lưới điện khu vực thành hệ thống điện thống nhất trong toàn quốc, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển hệ thống điện Việt Nam.
Tổ chức điều độ hệ thống điện 3 miền từng bước được kiện toàn. Tháng 4/1994, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia ra đời, cùng với Hệ thống điều hành thời gian thực SCADA đã tạo ra bước phát triển mới của hệ thống điều độ điện Việt Nam.
Khởi công xây dựng ngày 06/11/1979, khánh thành ngày 20/12/1994. Những con người của “Công trường thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh” đã dũng cảm, dám đối đầu với mọi nguy nan để ngăn sông Đà hung dữ; thi công lắp đặt 8 tổ máy trong lòng đất, công suất 8 x 240 = 1920MW. Sản lượng điện hàng năm là 8,16 tỷ kWh. Trong 15 năm xây dựng đã đào tạo đội ngũ chuyên gia đủ trình độ xây dựng các công trình điện khác. Tâm huyết của thế hệ ngành Điện khắc phục mọi gian lao của thời kỳ kinh tế bị bao vây, 168 cán bộ, công nhân Việt Nam và chuyên gia Liên Xô (cũ) hy sinh đã làm nên một nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ XX. Tâm huyết của họ được gửi trong “Thư gửi thế hệ trẻ mai sau” sẽ được mở ngày 01/01/2100.
Nhà máy nhiệt điện Phả Lại I (Hải Dương) được khởi công xây dựng ngày 17/05/1980, tổ máy số 1 vận hành năm 1983. Công suất 4 x 110 = 440MW. Đây là Nhà máy Nhiệt điện lớn nhất nước lúc bấy giờ, đáp ứng tốc độ tăng trưởng phụ tải mạnh trong những năm 1980.
Nhà máy xây dựng năm 1984, khánh thành năm 1991, gồm 4 tổ máy, công suất 4 x 100 = 400MW, sản lượng điện trung bình hàng năm 1,7 tỷ kWh. Công trình đáp ứng cung cấp điện cho các tỉnh thành phía Nam đang thiếu điện nghiêm trọng lúc bấy giờ, cung cấp nước cho các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và một phần của Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà máy xây dựng năm 1993 và hoàn thành năm 2002, tại tỉnh Gia Lai - Kon Tum, gồm 4 tổ máy đặt ngầm trong núi, công suất 4 x 180 = 720MW, sản lượng điện bình quân 3,68 tỷ kWh/năm. Là công trình lớn nhất của bậc thang thủy điện sông Sê San và là thủy điện lớn nhất của miền Trung và miền Nam. Thủy điện Ialy do người Việt Nam thiết kế và tổ chức thi công.
Đường dây dài 1.487km từ Hòa Bình đến Thành phố Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng ngày 05/4/1992. Đây là đường dây truyền tải điện cao áp 500kV đầu tiên tại Việt Nam, với kỹ thuật phức tạp, thi công trên mọi địa bàn khó khăn theo chiều dài đất nước. Công trình được dồn sức thực hiện trong 2 năm với đặc thù vừa khảo sát, thiết kế, vừa thi công và đã huy động khoảng 20.000 người làm nghề Điện và các lực lượng khác tham gia. Ngày 27/5/1994 dòng điện được hòa mạng trên cả nước, liên kết các hệ thống điện của 3 miền thành một hệ thống điện thống nhất, chấm dứt tình trạng thiếu điện trầm trọng ở miền Trung, miền Nam và thừa điện ở miền Bắc trong giai đoạn này.
Trong 2 thập kỷ (1995 - 2015), hệ thống điện Việt Nam đã phát triển bùng nổ về lượng và chất, khi cùng lúc triển khai xây dựng và đưa vào vận hành hàng trăm công trình nguồn và lưới điện đồng bộ. Sản lượng điện toàn hệ thống trong 20 năm tăng hơn 10 lần. Hệ thống điện vận hành tin cậy trên cơ sở trục xương sống là mạng đường dây 500kV và 220kV liên kết mạch vòng và một số trung tâm nguồn điện lớn phân bố theo vùng - miền, dưới sự điều hành của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0). Cơ cấu nguồn điện được đa dạng hóa, thủy điện chiếm tỷ trọng lớn. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu điện và có dự phòng cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt nhân dân ở mức tăng trưởng cao.
Ngày 07/10/2010, Công ty Cổ phần Chế tạo Thiết bị Điện Đông Anh (nay là Tổng Công ty Thiết bị Điện Đông Anh – Công ty Cổ phần) đã tổ chức “Lễ gắn biển công trình 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” cho Máy biến áp 500kV. Việc chế tạo thành công máy biến áp 500kV “Made in Vietnam” đầu tiên tiếp tục tạo nên dấu son lịch sử của ngành Cơ khí điện lực Việt Nam, giúp tăng cường sự chủ động trong đầu tư, xây dựng, tiết kiệm chi phí cũng như giảm phụ thuộc vào nhập khẩu thiết bị nước ngoài.
Nhà máy Thủy điện Sơn La công suất 6 x 400 = 2.400MW được khởi công xây dựng ngày 02/12/2005 và khánh thành vào ngày 23/12/2012, về đích sớm 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, làm lợi cho đất nước hàng chục nghìn tỷ đồng. Đây là công trình đa mục tiêu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước. Thủy điện Sơn La là công trình hiện đại và quy mô lớn nhất Đông Nam Á, các khâu quan trọng như thiết kế, thi công đều do các doanh nghiệp trong nước thực hiện.
Ngày 10/5/2005, Trung tâm Điện lực Phú Mỹ được khánh thành với 6 nhà máy điện có tổng công suất 4.005MW. Đây là công trình quan trọng ghi nhận sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp Điện lực Việt Nam với công nghệ chạy bằng khí dầu. Qua việc tham gia xây dựng công trình, lực lượng Tư vấn Xây dựng Điện của ngành đã bước đầu tiếp cận được công nghệ hiện đại và chủ động trong công tác tư vấn thiết kế nhà máy điện chạy khí.
Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đặt tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Vị trí này là điểm kết thúc của dãy Trường Sơn, chạy sát mép biển, tạo ra những cảng nước sâu thích hợp cho tàu chở than trọng tải 7 - 10 vạn tấn cập bến. Đây là Trung tâm Nhiệt điện lớn nhất nước hiện nay với 5 nhà máy, tổng công suất đạt 6.264MW. Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân ra đời đã đánh dấu bước phát triển mới của ngành Điện lực Việt Nam, giải quyết tình trạng thiếu điện cho miền Nam, giảm sự phụ thuộc của hệ thống điện vào nguồn thủy điện và tăng tính an toàn, ổn định, kinh tế cho hệ thống điện Quốc gia.
Cùng với sự hình thành, phát triển của ngành công nghiệp điện, đội ngũ công nhân điện Việt Nam đã ra đời và từng bước trưởng thành. Trước sự áp bức, bóc lột của chủ Pháp, phong trào đấu tranh của công nhân điện không ngừng phát triển. Từ hình thức đấu tranh tự phát, lẻ tẻ tiến tới đấu tranh tự giác với quy mô ngày càng rộng, có tổ chức, có lãnh đạo thống nhất bởi Công hội Đỏ, Hội Ái hữu, Hội Công nhân cứu quốc, Đảng Cộng sản Đông Dương.
Công nhân điện là một trong những lực lượng tham gia Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cắt điện làm hiệu lệnh mở màn cho Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946; tích cực đấu tranh bảo vệ máy móc để giữ ánh điện cho ngày giải phóng Thủ đô, ngày tiếp quản ngành Điện, tháng 10/1954.
9 năm trường kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp (1945 - 1954) kết thúc bằng thắng lợi vẻ vang của chiến dịch Điện Biên Phủ, buộc quân Pháp phải rút khỏi miền Bắc Việt Nam. Công nhân ngành Điện vừa kiên quyết đấu tranh không cho quân Pháp phá hoại nhà máy, tháo dỡ thiết bị, lấy tài liệu kỹ thuật mang đi, vừa làm việc hết mình để giữ vững dòng điện cho Chính phủ và quân đội ta vào tiếp quản Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố khác, nhanh chóng khôi phục lại các cơ sở kinh tế - xã hội đã bị tàn phá trong chiến tranh, tạo tiền đề để tái thiết miền Bắc. Thắng lợi này của công nhân ngành Điện đã được Bác Hồ biểu dương, khen ngợi khi đến thăm Nhà Đèn Bờ Hồ và Nhà máy Điện Yên Phụ, ngày 21/12/1954.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp xâm lược nước ta một lần nữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, phát động nhân dân cả nước đứng lên chống Thực dân Pháp. Nhà máy Điện Yên Phụ được giao nhiệm vụ trọng đại, cắt điện báo hiệu Toàn quốc kháng chiến.
Tổ nhận nhiệm vụ cắt điện do ông Nguyễn Giang, phụ trách Công đoàn khối Nhà máy điện, nước làm tổ trưởng và hai công nhân điện. Đúng 20h ngày 19/12/1946, tổ cắt điện thực hiện nhiệm vụ thành công, đèn điện toàn thành phố vụt tắt. Ngay sau khi hiệu lệnh tấn công được phát đi, trận địa Pháo đài Láng đã khai hỏa những phát súng đầu tiên, mở màn Toàn quốc kháng chiến.
Trở thành những chủ nhân thực sự của chế độ mới, phát huy tinh thần làm chủ đất nước, những người làm nghề Điện Việt Nam không ngừng phấn đấu, từng bước xây dựng và phát triển ngành Điện ngày một lớn mạnh.
Ghi nhớ lời Bác Hồ dạy, với sự ủng hộ giúp đỡ chí tình của các nước xã hội chủ nghĩa, bằng tinh thần sáng tạo trong lao động sản xuất, kiên cường trong đấu tranh, vượt mọi gian khổ, hy sinh, đội ngũ những người làm nghề Điện Việt Nam đã trưởng thành và có những cống hiến to lớn. Nhiều đơn vị, cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang và Anh hùng Lao động. Ngọn lửa nhiệt huyết tất cả vì dòng điện của Tổ quốc trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã, đang và sẽ được các thế hệ con người ngành Điện Việt Nam mãi mãi lưu truyền và tiếp nối.
Từ năm 1965 -1972, đế quốc Mỹ hai lần tiến hành chiến tranh đánh phá miền Bắc. Các nhà máy điện và đường dây truyền tải là trọng tâm hủy diệt của địch, phải đương đầu với 1.652 trận đánh phá, nhiều công trình điện bị phá hủy, 124 cán bộ, công nhân hy sinh.
Ngành Điện xác định “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”, chủ động sáng tạo xây tường bao, làm cầu tụt, ống khói ngầm, che chắn thiết bị, đơn giản hóa mạch bảo vệ thiết bị… để bảo đảm sản xuất điện liên tục trong mọi tình huống. Tổ chức cuộc sống, sản xuất, chiến đấu, học tập phù hợp với điều kiện thời chiến. Các đội xung kích, cảm tử, tự vệ được thành lập đã dũng cảm phối hợp với lực lượng phòng không nhân dân chiến đấu, bắn hạ máy bay địch, không ngại nguy hiểm, bám lò, bám máy, vận hành thiết bị, sửa chữa đường dây…, nhanh chóng khắc phục hậu quả đánh phá của giặc, giữ cho dòng điện không bao giờ tắt.
Đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, lại bị Mỹ bao vây cấm vận về kinh tế, các nguồn viện trợ bị cắt giảm, ngành Điện phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, hàng loạt các nhà máy, nhất là các tổ máy đi-ê-den ở miền Trung, miền Nam bị gián đoạn hoạt động do không có phụ tùng, thiết bị thay thế. Phát huy nội lực, những người làm nghề Điện đã chủ động, sáng tạo phát huy sáng kiến, khôi phục, sửa chữa thành công các công trình điện bị đánh phá trong chiến tranh như: Thủy điện Đa Nhim và đường dây 230kV Đa Nhim - Sài Gòn, Thủy điện Thác Bà, Nhiệt điện Uông Bí… Công ty Cơ điện Thủ Đức, Nhà máy Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh, các đơn vị truyền tải và các đơn vị cơ khí trong nước đã chủ động gia công, tự chế tạo một số thiết bị, phụ tùng phục vụ cho việc thay thế, sửa chữa, thi công. Họ đã từng bước nâng cao trình độ mọi mặt, tiến tới đảm nhiệm hiệu quả các công trình trọng điểm, góp phần xây dựng ngành Điện Việt Nam đáp ứng nhu cầu đổi mới.
Năm 1975, Nhà máy không thể vận hành do hệ thống thủy áp số 2 bị phá trong chiến tranh. Việc sửa chữa được phía Nhật Bản tính toán phải mất hơn 1 năm với kinh phí hơn 2 triệu USD là điều rất khó với bối cảnh đất nước lúc bấy giờ. Nêu cao ý chí tự lực, tự chủ, các cán bộ, kỹ sư, công nhân trong ngành và Thủy điện Đa Nhim đã tập trung trí tuệ, nỗ lực tìm giải pháp sửa chữa thành công đường ống ở độ dốc 45 độ, dài 2.040m, có 22 đoạn ống bị hỏng, mỗi đoạn nặng trên 3 tấn; sửa, nối, căng lại 157km, kéo mới 100 km đường dây 230kV Đa Nhim - Sài Gòn trong 6 tháng với tổng chi phí giảm nhiều lần so với đối tác Nhật Bản đề xuất. Đa Nhim hoạt động trở lại đã tăng thêm 34,7% công suất nguồn cho toàn miền Nam lúc bấy giờ, phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam sau chiến tranh.
Tiếp nối truyền thống kiên cường trong chiến tranh, tận tụy, đầy nhiệt huyết sáng tạo trong sản xuất kinh doanh..., thực hiện sứ mệnh ‘‘Điện phải đi trước một bước’’, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đổi mới, thế hệ người làm nghề điện Việt Nam đã có những thay đổi về chất. EVN hiện có đội ngũ chuyên gia cấp cao có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực lãnh đạo doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Có những chuyên gia có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực tư vấn, quản lý xây dựng, sản xuất thiết bị điện... Đội ngũ cán bộ, công nhân viên giỏi nhiều lĩnh vực, được đào tạo chính quy, đa ngành, đáp ứng yêu cầu phát triển và hiện đại hóa của Tập đoàn, đủ năng lực tiếp cận, làm chủ công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài, hướng tới tự chủ về kỹ thuật, công nghệ.
Tất cả hướng tới xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam là một đối tác tin cậy, thân thiện, hết lòng vì khách hàng.
Công nhân ngành Điện chống chọi thiên nhiên, khắc phục hậu quả do bão, lụt gây ra nhằm đảm bảo sự vận hành an toàn, cấp điện trở lại phục vụ kịp thời cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Những người công nhân ngành Điện thầm lặng “điểm trang” cho thành phố, đặc biệt là các dịp Lễ, Tết để nhiều người phải ngỡ ngàng, ngạc nhiên khi thành phố rực rỡ, lung linh ánh điện.
“EVN đã từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý thống nhất công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Các chương trình đào tạo cán bộ quản lý bắt đầu được thực hiện có hệ thống nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất và năng lực, có cơ cấu phù hợp với Chiến lược phát triển của Tập đoàn, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ”.
Theo Báo cáo của EVN tại “Hội nghị Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực” tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, ngày 24/9/2015.
Công đoàn Điện lực Việt Nam là tổ chức của người lao động trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 177/CĐNL/QĐ-ToC ngày 01/7/1996 trực thuộc Công đoàn Năng lượng Việt Nam và từ ngày 01/12/2000 trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo Quyết định số 1632/QĐ-TLĐ.
Công đoàn Điện lực Việt Nam hoạt động vì sự phát triển của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và bảo đảm, nâng cao đời sống của công nhân lao động, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và ngành Điện Việt Nam.
Công đoàn Điện lực Việt Nam, từ khi ra đời đến nay, luôn phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng đội ngũ công nhân lao động ngành Điện lớn mạnh về mọi mặt; thực hiện tốt 3 chức năng của tổ chức công đoàn và đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý.